Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không chỉ giúp ổn định cuộc sống phần lớn dân cư nông thôn mà còn là nền tảng phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù trong thời gian dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực của nền kinh tế nhưng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, đảm bảo ổn định an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu nông sản. Năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, kết quả đạt được đi đôi với khó khăn, thách thức, cụ thể như sau:
Kết quả đạt được
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Sản xuất lương thực đạt khá do thời tiết thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu giống hợp lý và trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao. Sản lượng lương thực có hạt đạt 47,9 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm trước, trong đó sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 795 nghìn tấn do năng suất lúa tăng ở hầu hết các mùa vụ: Lúa đông xuân năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha, sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 213,3 nghìn tấn; lúa hè thu năng suất đạt 57,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 181,6 nghìn tấn; lúa thu đông năng suất đạt 56,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 4 triệu tấn, tăng 391,9 nghìn tấn; lúa mùa năng suất đạt 53,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,23 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm trước.
Sản lượng lương thực nói chung và sản lượng lúa nói riêng tăng so với năm trước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Sản xuất lúa được thực hiện từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững như đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển; ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân.
Diện tích và cơ cấu cây trồng thay đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích cây hàng năm có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững. Diện tích cây trồng lâu năm có hiệu quả tăng cao. Năm 2023, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.760,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2022, trong đó nhóm cây ăn quả đạt 1.267,3 nghìn ha, tăng 4,1%. Các địa phương đã đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất. Đặc biệt, phát triển sản xuất cây ăn quả có múi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, đưa vào sản xuất các giống đặc sản, có lợi thế cạnh tranh cao ở từng địa phương; tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Sản lượng thu hoạch một số loại cây chủ yếu tăng so với năm trước: Cam đạt 1.780,5 nghìn tấn, tăng 1% so với năm trước; xoài đạt 965,9 nghìn tấn, tăng 5,2%; sầu riêng đạt 863,5 nghìn tấn, tăng 37,3%; nhãn đạt 627 nghìn tấn, tăng 5,2%; vải đạt 375,3 nghìn tấn, tăng 2,5%;
Đối với hoạt động chăn nuôi: Nhìn chung chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, người chăn nuôi đã tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có thay thế một phần thức ăn công nghiệp để giảm chi phí đồng thời cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn. Sản lượng sản phẩm chăn nuôi chủ yếu đều đạt kết quả khá: sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,9 triệu tấn, tăng 7,2 % so với năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 493,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng trứng gia cầm đạt 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%; sản lượng sữa bò tươi đạt 1.165,7 triệu lít, tăng 3,6%. Ngành chăn nuôi cũng có tín hiệu tích cực và triển vọng trong năm tới. Kết quả khảo sát xu hướng chăn nuôi của 26,8 nghìn hộ nuôi lợn trên toàn quốc cho thấy: 2,63% số hộ dự kiến mở rộng sản xuất, 88,86% số hộ dự kiến ổn định sản xuất trong thời gian tới, 5,99% số hộ thu hẹp sản xuất, chỉ có 2,52% số hộ không nuôi lợn nữa.
Thủy sản năm 2023 phát triển tích cực. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng sang phát triển nuôi trồng trong đó có phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững đang là hướng đi đúng đắn của ngành thủy sản. Sản lượng thủy sản ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.455,8 nghìn tấn, tăng 4,2%. Nuôi trồng thủy sản điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực là cá tra và tôm đã mang lại kết quả khá, sản lượng cá tra đạt 1.752,2 nghìn tấn, tăng 2,8% so với năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 858,6 nghìn tấn, tăng 7,1%; tôm sú đạt 275 nghìn tấn, tăng 2%.
Khó khăn, thách thức
Mặc dù đã gặt hái được những kết quả khả quan, nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức:
– Đối với ngành trồng trọt, phụ thuộc vào thời tiết khí hậu, các vấn đề về quy hoạch vùng cây trồng, con giống hoặc phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được chú trọng, chưa có kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững, nhiều cây trồng rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”.
– Phát triển lâm nghiệp thiếu tính bền vững do ảnh hưởng của thời tiết, diện tích rừng trồng mới tập trung giảm so với năm trước. Hoạt động khai thác gỗ chịu tác động từ việc các doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Nhu cầu gỗ từ thị trường thế giới giảm bởi lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất.
– Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản đã đem lại giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nhưng hiện tại vẫn chưa có quy hoạch tổng thể riêng cho nghề nuôi tôm mà ngành nuôi tôm vẫn nằm chung trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản, điều này dẫn đến đầu tư về cơ sở hạ tầng, hậu cần nghề nuôi, công nghệ nuôi… chưa đáp ứng thực tiễn sản xuất. Đặc biệt là các vấn đề quy hoạch, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nước thải, suy thoái môi trường, bệnh dịch tôm và vấn đề cơ chế chính sách. Đánh bắt thủy sản đối mặt nhiều thách thức, đó là giá xăng dầu tăng cao khiến lợi nhuận đánh bắt giảm; vấn đề vi phạm các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp và vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững.
Để đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường, phát huy hơn nữa an ninh lương thực và an sinh xã hội, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
– Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử nhằm để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm tích hợp đa giá trị không những về kinh tế mà còn mang giá trị về môi trường và xã hội; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp theo đúng các quy định hiện hành, tránh tình trạng khan hiếm vật tư nông nghiệp, đội giá nguồn vật tư; khuyến cáo người dân tránh lạm dụng sử dụng các loại phân bón không rõ nguồn gốc vật tư nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; tập trung nghiên cứu phát triển các loại giống cây trồng kháng bệnh, chất lượng giống tốt, năng suất cao, đồng thời nghiên cứu các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học, trừ bệnh dưỡng đất trong cây trồng nông nghiệp.
– Tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi; kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống trên thị trường; kiểm soát chất lượng và nguồn gốc con giống; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ các phụ phẩm nông nghiệp để đa dạng thức ăn cho vật nuôi, giảm chi phí sản xuất.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ rừng của người dân, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng; phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
– Khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; quản lý thức ăn, con giống tự nhiên, quản lý hoá chất, nhiên liệu an toàn.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trải qua một năm gặt hái được kết quả cao nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Thực hiện tốt các giải pháp đề ra, hy vọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.