Bưởi Soi Hà vươn mình ra thế giới
OCOP tạo luồng gió mới phát triển kinh tế nông thôn
Tuyên Quang đánh giá phân hạng 7 sản phẩm OCOP
Trong số 240 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang, có 39 sản phẩm đạt 4 sao. Những sản phẩm đạt sao OCOP, đặc biệt là những sản phẩm đạt 4 sao ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi được công nhận đạt sao OCOP, các sản phẩm nông sản đã đạt được một số tiêu chuẩn về nông nghiệp tốt (GAP). Do đó, các sản phẩm này không chỉ được bày bán ở các chợ truyền thống mà còn dễ dàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị uy tín và sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm OCOP có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, được cấp mã số vùng trồng, do đó việc xuất khẩu đến các thị trường khó tính cũng dễ dàng hơn.
Sản phẩm chè shan tuyết 1 tôm 1 lá của Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 5 sao.
Đạt được kết quả này, những năm qua, Hợp tác xã Sơn Trà đã đầu tư mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng chế biến. Hợp tác xã đã mở rộng liên kết, thu mua chè nguyên liệu của các hộ trồng chè tại các xã Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú (huyện Na Hang) với tổng diện tích trên 130ha. Trong đó, có 21ha chè nguyên liệu đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC cấp giấy chứng nhận hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 63 tấn/năm, được cấp mã số vùng trồng chè đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết, chè shan tuyết cổ thụ của là tài sản quý của người Mông, người Dao ở các bản làng của huyện Na Hang. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển, mở rộng của hệ thống đường giao thông và sự phát triển của kinh tế thị trường, chè shan tuyết của Hợp tác xã dần trở thành sản phẩm hàng hóa, thức uống đậm đà hương vị được thị trường trong nước biết đến.
Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, Hợp tác xã đã xây dựng cơ sở chế biến và được Viện Nghiên cứu Pát triển tiêu chuẩn chất lượng cấp Giấy chứng nhận ISO 22000: 2018 (cấp ngày 14/01/2022) về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm chế biến và kinh doanh chè. Hiện nay, Hợp tác xã có 3 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đang nâng hạng lên 5 sao.
Trong các sản phẩm đạt sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang, đã có hơn 20 sản phẩm đặc sản ẩm thực. Tiêu biểu như sản phẩm bún khô Đà Vị (huyện Na Hang) đạt 3 sao; thịt trâu khô Tiến Quang (huyện Chiêm Hóa) đạt 3 sao; bánh gai Chiêm Hóa đạt 4 sao; thịt lợn chua đen Vượng Duy (huyện Lâm Bình) đạt 3 sao…
Bánh gai Chiêm Hóa của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc là sản phẩm đạt 4 sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Sản phẩm này vừa được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang công nhận lại đạt chuẩn 4 sao. Để duy trì đạt sao OCOP, Hợp tác xã đã đầu tư, tiêu chuẩn hoá quản lý sản xuất và được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL cấp giấy chứng nhận có hệ thông quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn ISO.22000:2018; giấy chứng nhận có hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn phù hợp với tiêu chuẩn HACCP Codex Alimentarius.
Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc cho biết, để làm ra bánh ngon, gạo được người dân lựa chọn là nếp cái hoa vàng, lá gai, thịt lợn và nhân đỗ xanh, gói bằng lá chuối khô theo phương pháp cổ truyền, tạo nên chất lượng thơm ngon và đặc trưng của vùng quê Chiêm Hóa.
Trung bình mỗi năm Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trên 120.000 cặp bánh gai với giá bán 10.000 đồng/cặp. Các thành viên trong Hợp tác xã đang không ngừng cải tiến mẫu mã và chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn là xu hướng được nhiều người tiêu dùng hướng tới. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, các sản phẩm nông sản đạt sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang không ngừng cải tiến về chất lượng và mẫu mã. Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, nâng sao OCOP cho các sản phẩm.